Ngày 23/10/2023 tại Bộ Y tế đã diễn ra Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ, gồm: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo UBND 3 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị nhằm thực hiện Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Đồng chí Bùi Công Quang- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức HCNN và Công vụ - Văn Phòng Chính phủ phát biểu tại HN
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện 3 địa phương thực hiện thí điểm Ban Quản lý ATTP báo cáo về quá trình thành lập, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức, kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động…
Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ Tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại HN
Đồng chí: Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết TW Đảng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại HN
Kết quả hoạt động công tác đảm bảo ATTP của 3 thành phố/tỉnh khi nhập 3 ngành gồm: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Ban Quản lý ATTP cho thấy hiệu quả hơn.
Các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát mối nguy như: hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trước đây...
Chủ động, kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp, thuận lợi hơn so với trước khi thành lập Ban Quản lý ATTP. Công tác hậu kiểm được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực…
Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP phát biểu tại HN
Đồng chí Vũ Hải Nam- Vụ trưởng - Vụ Tổ chức Biên chế - Bộ Nội Vụ phát biểu tại HN
Đồng chí Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Vụ KH&CN – Bộ Công Thương phát biểu tại HN
Qua báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh và ý kiến phát biểu của các đại diện thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế - Chủ trì Hội nghị có ý kiến như sau:
1. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Văn phòng Chính phủ và theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư “kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm”, Hội nghị tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả của mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại 03 địa phương; Mô hình không nhất thiết phải giống nhau tại các địa phương. Trường hợp đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm thì phải đi cùng với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế phù hợp mô hình; khi xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Sở An toàn thực phẩm không được chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương.
2. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh bổ sung, hoàn thiện báo cáo, tập trung làm rõ các vấn đề: lý do, cơ sở đề xuất mô hình thí điểm; kết quả thực hiện mô hình thí điểm: cơ cấu tổ chức, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, có so sánh với giai đoạn trước khi thí điểm; các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về mô hình; Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm thì cần kiến nghị sửa đổi thể chế như thế nào để phù hợp, triển khai có hiệu quả. Việc dừng, duy trì, hoặc nhân rộng mô hình thí điểm, hoặc thành lập mô hình mới trên nền cốt của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết định trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Địa phương.
Nguồn: Cục ATTP - Bộ Y Tế