Cao huyết áp đa số được gọi là vô căn nhưng thực ra cũng có nguyên nhân, đó là do sự thay đổi chế độ ăn, lối sống ở những người có yếu tố gen nhạy cảm cao huyết áp. Vấn đề quan trọng là xác định được các đối tượng này, để tác động vào chế độ ăn và lối sống, để bảo vệ họ phòng ngừa việc xuất hiện cao huyết áp ở họ.
Cao huyết áp đã được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Khoảng 20 - 30% dân chúng bị bệnh này, mà phần lớn không biết vì bệnh thường không có triệu chứng, chỉ được phát hiện khi đã bị tai biến mạch não, đau tim, suy thận, tức là đã trễ. Những triệu chứng ban đầu có thể là: nhức đầu vùng ót hay vùng trán, chóng mặt, hay mệt, yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút, chảy máu cam … Nhưng tốt nhất, để biết chắc chắn mình có bị cao huyết áp hay không, ta phải đo huyết áp.
Ảnh minh họa: Internet
Thế nào là cao huyết áp?
Bệnh cao huyết áp, người dân thường gọi là “lên máu” hoặc “tăng xông”. Đây là trường hợp chỉ số huyết áp cao hơn bình thường. Tùy theo thể trạng của từng người, nhưng bình thường, huyết áp lý tưởng được tính ≤120/80mmHg . Người có chỉ số huyết áp cao hơn 140/90 mmHg là cao huyết áp.
Xếp loại huyết áp (HA)
Tâm thu (chỉ số trên) | Tâm trương (chỉ số dưới) | |
HA bình thường (mmHg) | < 120 | < 80 |
Tiền cao HA (mmHg) | 120 - 139 | 80 - 89 |
Cao HA giai đoạn I (mmHg) | 140 - 159 | 90 - 100 |
Cao HA giai đoạn II (mmHg) | > 160 | > 100 |
Cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Cao huyết áp là một bệnh mãn tính không lây nên người dân thường ít chú trọng để phòng ngừa và chữa trị hơn những loại bệnh cấp tính khác. Nhưng thực sự, cao huyết áp rất nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế thậm chí tử vong. Nó có thể gây rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử hoặc gây đột quỵ, hoặc có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não, xuất huyết não, hôn mê, liệt nửa người. Nhẹ hơn thì nước tiểu có đạm, suy thận, xơ vữa động mạch, thị giác mờ, có hiện tượng ruồi bay trước mắt…
Làm gì khi bị cao huyết áp?
Trước hết, phải xác định đây là một bệnh mãn tính, không điều trị dứt được mà cần chung sống tốt nhất với bệnh bằng việc theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp (hàng ngày) và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, điều chỉnh lối sống thật sự lành mạnh như giữ cân nặng phù hợp, ăn uống hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực thường xuyên. Hạn chế rượu, thuốc lá và những căng thẳng tâm lý bất lợi vì đây là những tác nhân có thể khiến cho bệnh cao huyết áp nặng thêm.
Dinh dưỡng trong bệnh cao huyết áp
- Giảm lượng muối (Na+) ở người cao huyết áp được khuyến cáo ngay từ giai đoạn đầu điều trị không dùng thuốc. Nhu cầu Na+ ở trẻ em và người lớn khoảng 200 mg/ngày. Trong khi, thông thường hàng ngày chúng ta ăn vào 4.000 - 6.000 mg (tương đương 10g - 15 g muối, lượng Na+ chiếm 40% trong NaCl) tức là cao hơn rất nhiều so với nhu cầu. Việc tiêu thụ quá nhiều muối còn dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù trước kỳ kinh, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn; liên quan đến ung thư dạ dày; tăng thải Ca++ qua thận, tăng nguy cơ loãng xương…
Do đó cần giảm lượng muối tiêu thụ < 6 g/ngày, bằng cách hạn chế sử dụng những thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp... Giảm những thức ăn mặn như mắm, tương, dưa, cà… Giảm một số thói quen của người Á Đông như chấm muối, chấm nước mắm … khi không thật sự cần; hạn chế dùng bột ngọt…
- Giảm cân nếu có thừa cân béo phì, bỡi vì dư thừa cân nặng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ gia tăng khắp mọi nơi và là một trong những nguyên nhân của cao huyết áp.
Giảm cân bằng cách giảm cung cấp năng lượng bằng các chế độ ăn phù hợp như: ăn thịt nạc, bỏ da; ăn các món luộc, hấp, kho, nướng thay cho chiên, quay, xào; uống sữa không chất béo; ăn nhiều rau, trái cây … thay cho thức ăn ngọt. Giảm bớt lượng thức ăn trong các bữa ăn. Ăn chậm, nhai kỹ, ăn nhiều vào buổi sáng, tránh ăn nhiều vào buổi tối…
Đồng thời, tăng tiêu hao năng lượng với những hoạt động như chơi thể thao, tập thể dục > 30 phút - 1 giờ hầu hết các ngày trong tuần. Năng động trong mọi hoạt động, đi bộ ít nhất > 5.000 - 10.000 bước/ngày. Kiểm soát chỉ số khối cơ thể (BMI) nên có từ 18.5 - 22 (cách tính BMI = Cân nặng (kg)/Chiều cao (cm) x chiều cao).
- Giảm các yếu tố bất lợi trong thực phẩm rượu, bia, cafein, chất béo bão hòa … Tăng cường các yếu tố bảo vệ như thực phẩm giàu K, Mg, Ca, các chất chống oxy hóa, chất xơ, omega3/omega6 và những thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ như rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía, cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen… (500g - 600 g rau trái, 30-40 g đậu đỗ/ngày).
Ảnh minh họa: Internet
Như vậy, để phòng ngừa và góp phần trong điều trị, giúp ổn định huyết áp, ngăn ngừa các biến chứng cần phải chú ý giảm béo phì, tăng hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn mặn.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM