Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản về kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, kế hoạch được triển khai từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024. Tổng cục Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thương mại, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm như: Sữa chế biến, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến; phân bón; xăng dầu; đồ điện gia dụng và hàng tiêu dùng… sẽ được đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật…
Đặc biệt, Tổng cục QLTT sẽ tổ chức giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng… để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường.
Kiểm tra hàng hóa trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đối với Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Cục QLTT tại các tỉnh biên giới, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu các đơn vị cần phối hợp với lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành… tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đồng thời rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.
Đối với Cục QLTT các tỉnh, thành phố trong nội địa, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, cần chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, Tổng cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Đối với Văn phòng Tổng cục QLTT, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị triển khai Hệ thống xử phạt vi phạm hành chính (INS); tiếp nhận đầy đủ thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục và kịp thời chuyển cho các đơn vị xử lý theo đúng thẩm quyền…
Nguồn: https://baodautu.vn