Tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe với thực phẩm trước cổng trường

Give You Peace Of Mind

0933 516 299

congtuan@vcfoods.vn

Tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe với thực phẩm trước cổng trường

Thực phẩm không an toàn đang là vấn nạn đe dọa đến sức khỏe của toàn xã hội. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí là trường học - nơi được xem là môi trường an toàn của trẻ. Các loại đồ ăn vặt có chất kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không an toàn là mối nguy hại tới sức khỏe của học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.

Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung: Các cơ sở giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cấm các loại hàng rong bán thực phẩm xung quanh các trường học khi không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định.

Thực phẩm không an toàn

Với đầy đủ các món ăn khoái khẩu, đa dạng của những cậu học trò như: xúc xích rán, nem chua rán, thịt bò khô, bánh chuối rán, bim bim, kem… kể cả các loại nước nước uống đóng túi với đầy đủ màu sắc, hương vị. Với mức giá của các món ăn vặt vừa phải nó chỉ dao động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Với mức giá trung bình, hương vị hấp dẫn, hình thức bắt mắt, những loại thực phẩm này được các em học sinh săn đón nhiệt tình.

Phần lớn đây đều là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác. Thậm chí những đồ ăn vặt được chế biến, bày bán ven đường nằm kề miệng cống, sát đường đi xe cộ qua lại, không che đậy, bụi bặm. Các nguyên liệu để chế biến nem chua rán, thịt bò khô, tương ớt, mỡ/dầu rán…đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, thời hạn sử dụng chỉ có người bán mới biết. Dầu/mỡ dùng để chiên rán, dùng đi dùng lại nhiều lần đã chuyển màu từ màu trắng vàng trong chuyển sang sẫm màu (dầu/mỡ đã biến chất sinh ra một số chất độc hại). Dụng cụ để chế biến, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không được che đậy.

Thức ăn đường phố thì mất vệ sinh, nhưng không ít các bậc phụ huynh lại tỏ ra khá dễ dãi trong việc chiều theo sở thích, nhu cầu của con. Nhiều người có thói quen hàng ngày đưa cho con một ít tiền lẻ để khi tan học trong lúc chờ đợi bố mẹ tới đón hoặc thời gian nghỉ giữa các tiết học, con ăn tạm món gì đó cho đỡ đói, việc này đã tạo cho học sinh thói quen ăn quà vặt mất an toàn vệ sinh trước cổng trường và tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe, bệnh tật của trẻ.

Nhiều phụ huynh vẫn cho tiền để trẻ chi tiêu, cho tiền để ăn quà vặt, mua nước uống trước khi đến trường. Với tâm lý chiều con, dần dần các bậc làm cha làm mẹ đã tạo cho học sinh thói quen ăn quà vặt trước cổng trường và tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe, bệnh tật của trẻ.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao

Những thức ăn đường phố bày bán ở nhiệt độ bình thường, môi trường có nhiều bụi, nhiều người qua lại, không được che đậy cẩn thận nên rất dễ bị ô nhiễm vi khuẩn, thời gian để càng lâu thì mức độ ô nhiễm càng cao. Do điều kiện thiếu nước các dụng cụ đựng và chế biến không được rửa sạch và thường bị ô nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác người chế biến thức ăn đường phố vì chạy theo lợi nhuận nên có thể mua các thực phẩm đầu vào không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học trong chế biến thức ăn, đồ uống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, nấm mốc, vi rút và ký sinh trùng: Vi khuẩn có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Phân, nước thải, rác bụi, thực phẩm tươi sống là ổ chứa của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong không khí và ngay trên cơ thể người cũng có hàng trăm loại vi khuẩn gây bệnh. Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm: sốt, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Độc hại của phẩm màu nhân tạo: Trong chế biến thực phẩm, phẩm màu làm tăng tính hấp dẫn, bắt mắt cho thực phẩm, chứ hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng. Phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm cho trẻ em như thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, bánh kẹo,…Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các phẩm màu nhân tạo còn sản sinh ra chất độc hại làm giảm sự phát triển của não bộ trẻ em. Phẩm màu tổng hợp có nguy cơ gây hại cho sức khỏe như: sinh ung thư, tổn thương trên gen, độc tính cho thần kinh.

Một số thực phẩm, chất bảo quản và phụ gia có nguy cơ ngộ độc:

Nem chua: Theo một số chuyên gia về Công nghệ sinh học và dinh dưỡng, mối nguy hại của nem chua nằm ở vi sinh vật gây bệnh có trong nguyên liệu. Với đặc thù là thịt sống rồi làm chín bằng sinh học chứ không phải làm chín bằng nhiệt nên sự tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh ở món ăn này rất khó khăn và có thể không chắc chắn. Các nhóm sinh vật gây bệnh có thể có trong nem chua phải kể đến: Salmonella, Shigella, E. coli, Coliforrms…đây là những nhóm vi sinh vật không được phép có trong thực phẩm và sự có mặt của nó trong thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng.

Ngoài ra, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn có thể đến từ môi trường không đảm bảo vệ sinh. Có thể nói quy trình sản xuất nem chua truyền thông tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các loại nemchua đang được bày bán trên thị trường vẫn đang được sản xuất theo quy trình thủ công truyền thống. Đây chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây hại phát triển, chưa kể đến nguy cơ phát sinh vi khuẩn từ nguyên liệu ban đầu. Ăn nem có thể lây nhiễm liên cầu lợn. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tránh các món ăn chế biến từ thịt lợn chưa chín như nem chua, nem chạo, tiết canh…

Xúc xích: Trong xúc xích có nitrit được sử dụng như một chất bảo quản. Trong quá trình nấy, nitrit kết hợp với amin tự nhiên trong thịt, cá để hình thành hợp chất nitrosamin gây ung thư. Cũng có nghi ngờ cho rằng nitrit có thể kết hợp với các amin trong dạ dày để tạo thành nitrosamine gây ung thư tiêu hóa. Ngoài ra, hợp chất này còn có thể gây ung thư khoang miệng, bàng quang, thực quản, dạ dày và não.

Không phải tất cả các loại xúc xích trên thị trường đều chứa nitrit. Bởi theo một số phương pháp hiện tại, nitrit chủ yếu được sử dụng cho việc tạo màu (giữ cho thực phẩm tươi hơn) cho quá trình bảo quản. Hiện nay, những xúc xích có màu bảo quản đã dần bị khách hàng tẩy chay. Do vậy khi mua cần xem kỹ thành phần của xúc xích và không mua sản phẩm có chứa nitrit.

Chất bảo quản: Hàn the làm chậm lại quá trình phân hủy thực phẩm; khiến thịt, cá giữ được vẻ tươi lâu hơn và làm cho thực phẩm như bún, bánh phở, bánh cuốn, bánh đa, giò, chả và nhiều thức ăn khác trở nên giòn, dai. Hàn the các gia đình dùng cho sản xuất bánh phở, bún…cho vào thực phẩm là hàn the công nghiệp, có nhiều tác hại tới sức khỏe con người.

Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người sử dụng, nếu sử dụng liều lượng thấp gây ngộ độc mãn tính, sử dụng liều từ 5g trở lên đã gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong. Khi vào cơ thể hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây bệnh mãn tính. Với tiêu hóa nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Hiện nay, hàn the được cấm sử dụng tại Việt Nam và nhiều nước khác.

Đường hóa học: Đường hóa học hay còn gọi là chất ngọt tổng hợp, là những chất không có trong tự nhiên, hoàn toàn tổng hợp bằng công nghệ hóa học, được sử dụng để tạo vị ngọt khi chế biến cho thêm vào thực phẩm. Chất tạo ngọt nhân tạo dùng cho những người ăn kiêng, bệnh lý thì cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc và chỉ sử dụng các loại được phép trong chế biến thực phẩm. Các chất làm ngọt nhân tạo, hay các chất thay thế đường, được sử dụng để tạo vị ngọt cho các loại đồ ăn và thức uống mà không làm tăng lượng carbohydrate hay mức năng lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều loại thực phẩm và đồ uống sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo vẫn có chứa mức năng lượng cao do thành phần carbohydrate vốn có trong loại thực phẩm đó, khiến cho đường huyết tăng cao. Do vậy, hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm để biết được hàm lượng carbohydrate tổng của loại thực phẩm đó.

Để hạn chế việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn nạn này. Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để con em mình sử dụng những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Về phía nhà trường cũng cần có công tác quản lý học sinh, tuyên truyền thông tin VSATTP để giúp các em tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Các bậc phụ huynh nên quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn con em chọn mua những sản phẩm chất lượng, tránh xa các loại bánh kẹo, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Mùa hè nắng nóng đã đến nên thực phẩm dễ lên men, ôi thiu, mỗi người nên nói "không" với những hàng rong không che đậy, quán vỉa hè ẩm thấp, bụi bặm, gần cống rãnh, thiếu nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho chính mình./.​

 

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline