Tình trạng tổn thương sụn khớp thường gặp chính là bệnh thoái hóa khớp. Đây là tình trạng hư hỏng phần sụn, là phần đệm bảo vệ, bao bọc ở hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm sút lượng dịch nhầy bôi trơn, gây đau và cứng khớp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 20% dân số bị mắc bệnh thoái hóa khớp với tần suất bệnh tăng dần theo độ tuổi. Tại Việt Nam, các chuyên gia y tế cũng đã cảnh báo có khoảng 23,3% người trên 40 tuổi bị mắc bệnh.
Nguyên nhân khiến sụn khớp suy giảm
Nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng thoái hóa khớp chính là sự hư hại sụn khớp. Theo thời gian và tuổi tác, khớp không ngừng bị thoái hóa. Bên cạnh yếu tố tuổi tác, các chấn thương tại khớp hay những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại, những bất thường ở khớp như gù, vẹo cột sống, các bệnh loãng xương, bệnh tại khớp (viêm khớp dạng thấp…), bệnh nội tiết chuyển hóa (tiểu đường, Gout,…), bệnh béo phì (khiến cơ thể phải chịu tải trọng lớn hơn), sai lệch trong tư thế làm việc, học tập (kể cả ngồi xổm hay đứng nhiều, mang vác nặng sai tư thế,...) cũng tạo áp lực lên các khớp xương, khiến các cấu trúc sợi collagen trong sụn dễ bị tổn thương, sụn bắt đầu bị phá vỡ, bào mòn và hư tổn, làm trơ các đầu xương, làm các đầu xương dưới sụn bị cọ xát trực tiếp vào nhau khi cử động, gây ra viêm, đau, cứng khớp và các triệu chứng khó chịu làm hạn chế vận động.
Quá trình lão hóa sụn khớp theo tuổi và các triệu chứng thường gặp
Giống như tất cả mọi bộ phận khác trong cơ thể, các khớp xương, sụn, những tổ chức ở khớp và quanh khớp của chúng ta cũng phải trải qua quá trình lão hóa. Càng lớn tuổi, tốc độ lão hóa cơ thể càng nhanh. Quá trình lão hóa tự nhiên kết hợp với áp lực vận động khiến cho lớp sụn bị bào mòn, chất dịch nhờn bôi trơn khớp ít dần đi, khiến khớp trở nên cứng và ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Theo một nghiên cứu do Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp với các đơn vị ngành y dược thực hiện năm 2014 thì một phần ba số người nằm trong độ tuổi trên 40 bị thoái hóa khớp gối với các triệu chứng thường gặp ở nữ là đau khi lên cầu thang (41,8%) và đau khi ngồi xổm (40,2%), ở nam là đau khi lên cầu thang (20%) và nghe có tiếng lạo xạo trong khớp (17,1%). Ngoài ra, còn có các triệu chứng ít gặp hơn như sưng khớp, đau khi nghỉ, cứng khớp, biến dạng khớp,…
Chăm sóc sụn khớp từ sớm
Hệ xương khớp chính là bộ khung quan trọng của cơ thể. Chăm sóc và bảo vệ đúng cách cho sụn khớp ngay từ sớm sẽ giúp bạn duy trì được sức khỏe xương khớp toàn diện, hạn chế các cơn đau khớp và làm chậm quá trình lão hóa khớp.
Để phòng ngừa bệnh khớp, tránh sụn khớp bị tàn phá âm thầm, mỗi người nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sụn khớp từ sớm bằng một lối sống khoa học, luyện tập thể dục đều đặn, ăn uống phù hợp, tránh thừa cân béo phì, tránh các thói quen gây hại cho sụn khớp như tư thế không phù hợp, thực hiện các động tác đột ngột, mang vác quá sức... Nên bổ sung thêm những chế phẩm có tác dụng nuôi dưỡng sụn khớp, giúp khớp tăng độ bền và dẻo dai.
Khi bị đau khớp, nên đi khám sớm để bệnh không nặng hơn, dẫn đến các biến chứng phức tạp như khớp sưng vù, biến dạng, cứng khớp, mọc gai xương… Cần tuyệt đối tránh việc cố chịu đau hay tùy tiện dùng thuốc giảm đau hoặc tự ý sử dụng một đơn thuốc uống nhiều lần.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM